Nếu bạn đang muốn tìm một món ăn để bồi bổ cho gia đình thì hãy thử ngay món gà hầm bào ngư nhé. Món gà hầm bào ngư không chỉ nổi tiếng về độ ngon mà còn nổi tiếng về độ bồi dưỡng sức khỏe cho người bệnh.
Khi bạn hầm gà với bào ngư, các chất dinh dưỡng từ gà và bào ngư sẽ được thấm đậm gia vị kết hợp với nước dùng ngọt thanh giúp cho người bệnh cảm nhận được sự ngon miệng và nhanh hồi phục sức khỏe hơn. Vậy còn chần chờ gì nữa mà không vào bếp để chế biến món ăn này với Bếp Nhà Mỡ nhỉ, cùng theo dõi nhé.
Nguyên liệu và giá trị dinh dưỡng
Nguyên liệu chế biến món gà hầm bào ngư
Để làm món gà hầm bào ngư, bạn cần chuẩn bị:
- Thịt gà: 500g
- Bào ngư: 500g
- Thuốc bắc hầm gà: 1 gói
- Gia vị thông dụng: Hạt nêm, muối, đường.
* Mẹo chọn nguyên liệu
Mẹo chọn gà ngon:
- Nên chọn gà có màu đỏ hồng và không có vết bầm, tụ máu trên da. Không nên chọn những con gà có phần thịt đen sạm vì khả năng là gà chết trước khi làm thịt.
- Nên chọn những con gà có thân hình thon gọn, phần da vàng nhạt, độ đàn hồi cao.
- Dùng tay ấn vào phần đùi lườn, nếu gà nhão hoặc biến dạng không có độ đàn hồi thì không nên mua.
- Đối với món gà hầm coca thì nên chọn phần đùi hoặc phần cánh sẽ ngon hơn.
Để chọn bào ngư ngon:
- Nên chọn bào ngư có phần thịt tròn dày, nhìn đồng đều và có kích thước vừa phải, có màu đỏ ở chính giữa. Khi nhấn vào phần thịt sẽ thấy săn chắc và có độ đàn hồi.
- Không nên chọn bào ngư quá to hoặc quá nhỏ hoặc bào ngư bị chảy nhớt, có mùi bất thường.
Giá trị dinh dưỡng
- Thịt gà chứa nhiều vitamin A, E, C, B1, B2, PP và các muối khoáng canxi, phốt-pho, sắt, nên có tác dụng bổ dưỡng chất dinh dưỡng, hỗ trợ cơ thể chống ung thư hiệu quả. Trong thịt gà chứa hàm lượng beta-carotene, lycopene, retinol, alpha cao, đều bắt nguồn từ vitamin A có tác dụng tăng cường thị lực.
- Trong 100g bào ngư chứa: chất đạm 17,05g; đường (carbonhydrat) 5,89g; chất béo 0,75g; cholesterol 84,7mg; các loại vitamin B1, B2, khoáng chất và nguyên tố vi lượng. Theo quan niệm của y học cổ truyền, thịt bào ngư có vị mặn, tính ôn, có tác dụng bổ hư, tư âm, nhuận phế thanh nhiệt… Người thích hợp dùng bào ngư: người trong giai đoạn mãn kinh, mãn dục, cường tuyến giáp trạng, khả năng tập trung kém. Người không phù hợp: bệnh gút, cảm mạo phát sốt, hầu họng sưng đau.
Hướng dẫn cách thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Thịt gà mua về bạn dùng muối xoa bóp thật kỹ khoảng 3-5 phút rồi sau đó xả sạch với nước và để ráo.
- Đối với bào ngư thì bạn dùng thìa nạy phần cồi thịt ra rồi sau đó dùng miếng bọt biển chà sạch các chất dơ rồi cắt bỏ phần rìa bên ngoài. Sau đó bạn rửa sạch.
- Gói thuốc bắc thì bạn rửa sạch và ngâm với nước ấm khoảng 15 phút để loại bỏ hết bụi bẩn rồi rửa lại một lần nữa và để ráo.
Bước 2: Chế biến món gà hầm bào ngư
- Bắc một nồi nước khoảng 900ml lên bếp rồi đun sôi. Sau khi nước sôi thì cho gà và bào ngư vào và đun thêm 5 phút nữa thì hạ lửa nhỏ.
- Tiếp đến, cho gia vị thuốc bắc vào và đậy nắp nồi hầm khoảng 1 tiếng.
- Sau 1 tiếng, bạn mở nắp nồi ra và thêm các gia vị bao gồm: 2 muỗng cafe hạt nêm, 1 muỗng cafe đường,1 muỗng cafe muối rồi khuấy đều lên và đậy nắp nồi hầm thêm 1 giờ nữa.
- Cuối cùng, sau 1 giờ, bạn mở nắp ra và nêm nếm lại một lần nữa rồi đun ở lửa lớn khoảng 5 phút nữa thì tắt bếp.
Bước 3: Trang trí và trình bày gà hầm bào ngư
- Sau khi nấu xong, bạn múc gà và bào ngư ra tô và thêm một ít nước dùng nữa là có thể thưởng thức luôn. Món ăn này ăn khi nóng sẽ rất là ngon.
* Mẹo chế biến:
- Khi hầm gà với bào ngư, hạn chế mở vung nồi nhiều lần vì nó sẽ khiến hơi bị bay mất và làm cho món ăn không được ngon
Yêu cầu thành phẩm
Món gà hầm bào ngư sau khi hoàn thành có màu sắc đẹp mắt và có mùi thơm đặc trưng của gia vị thuốc bắc. Phần nước dùng thanh ngọt, đậm đà trong khi đó thịt gà ăn mềm ngọt, bào ngư ăn dai dai mềm mềm cực kỳ ngon.
Cứ tưởng món gà hầm bào ngư làm rất phức tạp nhưng hóa ra lại cực kỳ đơn giản phải không nào. Với công thức mà Bếp Nhà Mỡ chia sẻ trên đây chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn trong việc chế biến món ăn này. Chúc các bạn thành công.