Lẩu cá tai tượng có màu sắc hấp dẫn nhờ sự đa dạng của các loại nguyên liệu. Khi thưởng thức ta sẽ cảm nhận được vị tươi ngon của các loại rau, kết hợp với vị ngọt tự nhiên của cá tai tượng và kèm theo vị chua đặc trưng của lẩu. Món ăn chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
Lẩu cá tai tượng là món lẩu được nhiều thực khách yêu thích bởi sự kết hợp hài hòa giữa vị ngọt của cá và các loại rau ăn lẩu đi kèm. Nếu bạn đã yêu thích hương vị của món ăn này và muốn tự tay chế biến cho gia đình thì hãy tham khảo ngay công thức sau đây.
Nguyên liệu và giá trị dinh dưỡng
Trước khi nấu lẩu cá tai tượng bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu sau đây:
Nguyên liệu chế biến
- Cá tai tượng: 1 con
- Dứa: 1/2 quả
- Cà chua: 2 quả
- Bún: 600gr
- Hành khô, tỏi
- Ngò gai, rau om, ớt, gừng, sả, vài trái tắc
- Rau ăn lẩu: rau muống, rau nhút, rau bìm bịp, cọng súng, kèo nèo, hoa chuối
- Gia vị: dầu ăn, nước mắm, muối, đường, hạt nêm
* Mẹo chọn nguyên liệu:
- Nên chọn mua những con còn sống, khỏe mạnh, có vảy màu xám bóng, không trầy xước, bong tróc.
- Cá tai tượng ngon khi cầm lên sẽ có cảm giác nặng tay, thịt cá có độ đàn hồi nhất định.
- Cá tai tượng càng lớn ăn càng ngon vì cá càng to thịt càng săn chắc, ngọt nước.
Giá trị dinh dưỡng
- Theo nghiên cứu, 100g cá tai tượng chứa 91kcal, 17g protein, 2,6g lipid, 57mg canxi, 145mg photpho, 0,1mg sắt và chứa nhiều vitamin, omega 3 và axit không no.
Hướng dẫn cách thực hiện
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu bạn có thể tiến hành theo các bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
- Hành khô, tỏi bóc vỏ, đập dập. Gọt vỏ gừng, rửa sạch và thái nhỏ. Rửa sạch sả và thái nhỏ.
- Cá tai tượng khi mua về bạn đem đi rửa sạch rồi cắt thành từng miếng có độ dày khoảng 1,5cm. Sau đó, bạn chuẩn bị một nồi nước sôi, thêm ít gừng băm nhuyễn rồi cho cá tai tượng đã cắt khúc vào chần nhanh để khử mùi tanh của cá.
- Rửa cà chua và cắt miếng vừa ăn.
- Dứa gọt vỏ, bỏ mắt và cắt miếng vừa ăn.
- Rau mùi, rau om và các loại rau nhúng lẩu nhặt, rửa sạch, để ráo.
- Rửa ớt và cắt lát mỏng.
Bước 2: Nấu lẩu
- Bắc nồi lên bếp, cho nửa chén dầu ăn vào, dầu nóng thì cho hành, tỏi, sả băm vào phi thơm rồi cho cá vào xóc nhẹ để thịt cá săn lại. Thịt cá săn lại, bạn vớt cá ra đĩa riêng.
- Sau đó, bạn tiếp tục dùng nồi chiên cá, cho dứa, cà chua vào, đảo đều rồi nêm 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường. Bạn xào cho đến khi các nguyên liệu chín thì cho 1,5 lít nước lọc vào nồi.
- Sau đó nấu đến khi nước sôi thì cho nước cốt tắc vào. Bạn nhớ nêm lại gia vị cho phù hợp với khẩu vị gia đình, đun thêm khoảng 10 phút để cá chín thì cho rau om, ngò rí và ớt vào nồi lẩu. Lúc này, điều chỉnh lửa nhỏ để nước sôi nhẹ.
Bước 3: Trình bày và thưởng thức
- Để thưởng thức món lẩu cá tai tượng, bạn chuẩn bị một chiếc bếp ga mini hoặc nồi lẩu điện, đặt giữa bàn ăn rồi bắc nồi lẩu lên trên.
- Nấu đến khi nước sôi thì bạn cho các loại rau ăn lẩu vào. Khi rau chín là bạn có thể thưởng thức. Lẩu cá tai tượng ăn với bún là ngon nhất.
- Đặc biệt, để nước lẩu thêm phần hấp dẫn, bạn nhớ chuẩn bị thêm một chén nước mắm nguyên chất có thêm vài lát ớt để chấm cá hoặc cho vào nước lẩu nếu cảm thấy nhạt.
* Mẹo chế biến:
- Để tạo vị chua cho nước lẩu, ngoài dùng nước cốt tắc bạn có thể dùng nước cốt chanh, nước cốt me hoặc nước măng chua.
- Bên cạnh các loại rau kể trên, bạn cũng có thể chuẩn bị thêm các loại rau khác tùy theo sở thích để nồi lẩu bắt mắt.
- Nếu thích ăn cay, bạn có thể cho thêm sa tế hoặc ớt tươi.
- Để nước lẩu có vị ngọt và ngon hơn, bạn hãy dùng xương ống để hầm nước dùng.
Yêu cầu thành phẩm
Nước lẩu cá tai tượng có màu đẹp mắt, vị chua chua ngọt ngọt của dứa, cà chua kết hợp với vị cay cay của ớt tạo nên hương vị đậm đà, hấp dẫn. Thịt cá tai tượng mềm ngọt ăn kèm với các loại rau và bún càng tuyệt vời.
Chỉ với những bước đơn giản như vậy là bạn đã chế biến xong nồi lẩu cá với hương vị chua chua, cay cay đậm đà vô cùng hấp dẫn. Vào những ngày mưa se lạnh, thật tuyệt khi vừa thưởng thức nồi lẩu cá hồi bốc khói nghi ngút vừa nhâm nhi ly bia và hàn huyên cùng người thân hay bạn bè. Chúc bạn thành công với công thức mà Bếp Nhà Mỡ đã chia sẻ!