Mứt dừa ngũ sắc là loại mứt truyền thống và được nhiều người chọn lựa đặt lên khay mứt ngày Tết mỗi độ xuân về. Không những thơm ngon, ngọt bùi, mứt dừa còn mang ý nghĩa quây quần, sum vầy hạnh phúc cho cả gia đình, bạn bè trong năm mới. Hôm nay, hãy cùng Bếp Nhà Mỡ vào bếp và chế biến món mứt dừa ngũ sắc cực ngon và đẹp mắt này nhé.
Nguyên liệu và giá trị dinh dưỡng
Món mứt dừa ngũ sắc chế biến khá đơn giản với những nguyên liệu tự nhiên không phải những loại phẩm màu hoá chất. Cùng Bếp Nhà Mỡ tìm hiểu xem chúng ta cần chuẩn bị những gì và giá trị dinh dưỡng của món mứt dừa ngũ sắc mang lại nhé.
Nguyên liệu
- 1kg cùi dừa
- 500g đường trắng
- 150g lá dứa/lá nếp
- 150g lá cẩm tím
- 1 củ cà rốt lớn
- 1 mớ rau dền lớn
- 1 gói cafe hòa tan
- Dụng cụ: máy xay sinh tố, rây, chảo chống dính, đồ nạo, thau, rổ…
Mẹo chọn cơm dừa khi chế biến
- Bạn nên chọn loại dừa bánh tẻ, tức là quả dừa không quá non và cũng không quá già, độ cứng và độ dai vừa phải, rất thích hợp cho việc nạo sợi hoặc tạo viên.
- Dừa bánh tẻ có phần vỏ màu hơi nhạt, đều màu và không bị loang ra. Nếu bấm móng tay vào vỏ dừa sẽ thấy được độ giòn và không bị dai.
- Phần cùi dừa tách ra phải có màu trắng ngần, không phải màu trong hay hơi đục, ngà ngà, phần vỏ sát bên ngoài sẽ có màu nâu nhạt.
Giá trị dinh dưỡng
- Mứt dừa có tác dụng trị chướng bụng, khó tiêu, trợ tiêu hóa.
- Giúp giải độc, thanh nhiệt, chữa suy nhược cơ thể.
- Mứt dừa giúp chữa mụn nhọt, là chất béo dễ tiêu hóa, phòng xơ vữa động mạch.
- Đồng thời mứt dừa cũng có tác dụng nhuận tràng.
- Do vậy việc ăn nhiều mứt dừa sẽ không gây táo bón cho bạn.
Hướng dẫn cách thực hiện
Chế biến món mứt dừa ngũ sắc cực kỳ đơn giản. Dưới đây là những giai đoạn bạn cần làm khi chế biến.
Sơ chế nguyên liệu
- Dừa gọt bỏ lớp vỏ nâu bên ngoài. Dùng dao nạo, nạo theo đường tròn của quả dừa để tạo thành những sợi dài mỏng sau đó đem đi rửa nhiều lần với nước để loại bỏ bớt dầu dừa, vớt ra rổ để ráo nước.
- Lá dứa, lá cẩm, cà rốt rửa sạch, thái nhỏ. Lần lượt cho từng loại vào máy xay sinh tố cùng với một bát nước xay thật nhuyễn. Sau đó, dùng rây lọc bỏ đi phần bã, lấy phần nước cốt và bỏ riêng từng bát.
- Với cafe bạn chỉ cần pha với ít nước sôi, khuấy đều và để nguội là được.
- Sơ chế đơn giản các nguyên liệu
Chế biến nguyên liệu
- Chia lượng dừa nạo được thành 5 phần bằng nhau, cho 4 phần vào 4 bát nước màu đã chuẩn bị và ngâm trong vòng 2 – 3 tiếng cho ngâm màu.
- Sau đó, bạn chắt bớt nước ở 4 phần đang ngâm đi, chỉ để lại mỗi màu một chén nước nhỏ. Phần còn lại cho vào cái bát không.
- Cho vào mỗi bát 150gr đường, trộn đều để tầm 4 – 5 tiếng đến khi đường tan hết và miếng dừa nhìn thấy hơi trong.
- Sau đó, làm nóng rồi vặn nhỏ lửa, đổ dừa đã ướp vào sên. Đảo đều tay cho các miếng dừa nóng đều và không bị vón cục hay bị cháy.
- Bạn sên cho tới khi mứt khô dần, đường kết tinh và sợi dừa hoàn toàn rời ra. Khi mứt khô, bạn xào thêm khoảng 3 – 5 phút,
- Bạn tắt bếp, vẫn đảo đều tay thêm 3 – 5 phút nữa để mứt dừa được khô và giòn.
- Xong mẻ thứ nhất, bạn rửa chảo hoặc dùng một cái chảo khác để sên những mẻ mứt dừa tiếp theo.
Trang trí và thưởng thức
Trải mứt ra khay để mứt khô và nguội hẳn. Sau đó trang trí ra dĩa mỗi màu một ít làm tăng thêm sức hấp dẫn và sự đẹp mắt của mứt dừa ngũ sắc. Đến đây là món mứt dừa ngũ sắc của bạn đã hoàn thành và có thể thưởng thức được rồi.
Mẹo giúp bạn sên dừa hiệu quả nhất
- Cùi dừa sau khi nạo xong, bạn nên nhẹ nhàng rửa với nước khoảng 3 - 4 lần và ngâm cùi dừa trong nước để cho ra bớt dầu dừa. Điều này giúp mứt dừa sau khi sên đỡ bị sực mùi và gây đầy bụng khi ăn.
- Cần sử dụng lượng đường ngâm với dừa theo tỷ lệ chuẩn xác vì nếu ngâm đường quá ít thì khó có thể kết tinh, ngược lại ngâm quá nhiều khi kết tinh sẽ bị vón cục và không đẹp mắt, khi ăn mứt dừa sẽ bị cứng.
- Bạn có thể tạo màu bằng cách dùng lá dứa xay chung với nước để lọc lấy nước cốt, hoặc nước cam vắt, nước ép cà rốt, lá cẩm đun với nước để lấy nước cốt
- Ban đầu nên sênh trên lửa to, sau khi mứt sôi lên thì nên giảm lửa, để cỡ trung bình. Chờ đến khi đường cạn dần và keo lại, đảo nặng tay thì vặn lửa ở mức thấp nhất, đảo liên tục để mứt không bị cháy.
- Ngoài ra, để tránh mứt dừa bị đứt, bạn nên đảo nhẹ tay. Không nên để lửa quá to sẽ khiến đường quá nóng dễ chuyển sang màu caramel, khiến mứt dừa bị cháy.
- Khi thấy mứt dừa bắt đầu có xuất hiện hạt đường trắng xung quanh thì tắt bếp, để nguyên trên chảo và tiếp tục đảo cho đường khô lại và kết tinh là được.
- Không nên đun trên bếp trong khoảng thời gian này vì dễ khiến mứt dừa bị cứng, không ngon, nghiêm trọng hơn là bị cháy.
Yêu cầu thành phẩm
Thành phẩm mứt dừa lúc này không bị ẩm, mứt nóng và khô, màu đều. Mứt dừa khi ăn có vị ngọt, sần sật, kết hợp với hương thơm của lá dứa, cà rốt, ca cao... nhưng vẫn giữ được vị đặc trưng của dừa.
Chế biến món mứt dừa ngũ sắc không hề khó đúng không ạ? Hãy tận dụng những kiến thức mà bạn đã học được ở bài viết. Nấu những món ăn ngon và bổ dưỡng đến gia đình của bạn. Đừng quên theo dõi Bếp Nhà Mỡ để biết thêm nhiều thông tin và kiến thức bổ ích khác nhé.