Trang chủ » Phong cách kiến trúc truyền thống và hiện đại ở Seoul Hàn Quốc

Phong cách kiến trúc truyền thống và hiện đại ở Seoul Hàn Quốc

by Bếp Nhà Mỡ

Nổi tiếng với K-pop và K-drama, Hàn Quốc cũng nổi tiếng về kiến trúc và văn hóa. Sự pha trộn phong phú giữa văn hóa và truyền thống có thể nhìn thấy trong kiến ​​trúc Hàn Quốc. Các cung điện và đền đài cũ được biến thành điểm du lịch, đang thu hút sự chú ý. Kiến trúc hiện đại cũng là một xu hướng đang phát triển và đã dẫn đến việc tạo ra những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng sử dụng công nghệ tiên tiến và sự sáng tạo.

Bên cạnh vị trí dẫn đầu khi xét đến mức độ sẵn sàng về công nghệ theo báo cáo của tổ chức PwC, thủ đô Hàn Quốc còn sở hữu nhiều Di sản văn hóa thế giới như Cung điện Changdeok, Pháo đài Hwaseong, Đền Jongmyo và Namhansanseong.

seoul hinh anh 3 scaled e1630173903423 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Mặc dù trải qua nhiều thách thức trong quá trình phát triển, Seoul vẫn vươn lên mạnh mẽ từ nửa sau thế kỷ hai mươi và trở thành một trong những trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa hàng đầu thế giới, sánh vai cùng các thành phố lớn như Tokyo, Bắc Kinh, London, New York.

Dòng chảy lịch sử của thủ đô Seoul

Tọa lạc ở vị trí chiến lược dọc theo sông Hàn, Seoul gắn liền với lịch sử nhiều thăng trầm của bán đảo Triều Tiên. Dẫu vậy, thành phố luôn là nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa của bán đảo nói riêng và khu vực Đông Á nói chung.

Kể từ khi được thành lập vào năm mười tám trước Công nguyên như kinh đô thuộc triều đại Baekje, Seoul tiếp tục được lựa chọn là thủ đô của nhiều cường quốc bao gồm Goryeo, Joseon, đế chế Triều Tiên và Đại Hàn Dân Quốc hiện nay.

seoul hinh anh 12 e1630174035468 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Dựa trên niên đại của các di tích thời tiền sử ở Amsadong, con người đã bắt đầu định cư tại khu vực Seoul từ thời đại đồ đá. Tuy nhiên, những ghi chép lịch sử về thành phố chỉ được tìm thấy sớm nhất vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, trong thời kỳ Tam quốc.

Từ thủ đô vương triều Bách Tế (Baekje) đến kinh đô phương Nam của Goryeo

Theo nghiên cứu của nhiều sử gia, sự du nhập của văn hóa đồ sắt vào cuối thế kỷ thứ ba trước Công nguyên đã dẫn đến việc hình thành các bang Seongeup và một số Vương quốc Liên bang tại các khu vực khác nhau trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi phía bắc xuất hiện các tổ chức chính trị như Gojoseon, Buyeo và Goguryeo thì phía Nam chứng kiến sự thành lập của Tam Hán bao gồm Mahan, Jinhan và Byeonhan. Sau nhiều ngày chiến loạn, các tổ chức đã hợp nhất và phát triển thành ba vương quốc Goguryeo, Baekje và Silla.

Baekje là triều đại đầu tiên chiếm giữ lưu vực sông Hàn dưới sự lãnh đạo của vua Onjo. Nhà vua đã chọn Seoul, lúc bấy giờ là Wiryeseong để giữ vị trí thủ phủ vương quốc do điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý thuận lợi của nơi đây.

seoul hinh anh 9 scaled e1630174225112 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Những bức tường đất Pungnap Toseong hay Mongchon Toseong ở phía đông nam Seoul ngày nay chính là dấu tích còn sót lại của giai đoạn lịch sử này.

Tận dụng lợi thế địa lý của sông Hàn, Baekje không chỉ chiếm ưu thế trong sản xuất nông nghiệp mà còn trở thành một cường quốc hàng hải. Đường biển phát triển đã thúc đẩy quá trình giao lưu, trao đổi văn hóa giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Baekje.

Điều này đã đặt nền tảng cho sự phát triển của Seoul như một trung tâm kinh tế – văn hóa trong bốn thế kỷ liên tiếp. Một số yếu tố văn hóa tiêu biểu được vương quốc truyền bá bao gồm hệ thống chữ viết của Trung Quốc, Phật giáo, nghệ thuật làm gốm hay nghi lễ chôn cất.

Tuy nhiên, thành phố bắt đầu lâm vào suy thoái sau khi trở thành chiến trường của Tam Quốc Triều Tiên từ cuối thế kỷ thứ tư. Năm 475, Wiryeseong đánh mất vị thế kinh đô do sự thất bại của Baekje trước quân đội Goguryeo và chỉ đảm nhận vai trò như một căn cứ quân sự tiền phương trong gần một trăm năm sau đó.

Mãi đến khi Silla thành công thống nhất Tam Quốc vào năm 660, chức năng hành chính của thành phố mới dần được khôi phục. Trong thời kỳ này, Seoul được biết đến như một quận thuộc vương triều Silla thống nhất với tên gọi Hansanju.

Đầu thế kỷ thứ chín, hệ thống chính quyền thiếu tổ chức và sự nổi dậy của những thế lực mới khiến Silla dần suy tàn và chính thức sụp đổ vào thế kỷ thứ mười. Khu vực Bán đảo Triều Tiên chứng kiến sự xuất hiện của một triều đại mới, Goryeo.

Theo đánh giá từ các nhà sử học Hàn Quốc, vương triều này không chỉ thống nhất Tam Quốc về mặt lãnh thổ mà còn thừa kế truyền thống của người dân ba nước. Bởi vậy, Goryeo là triều đại đầu tiên được công nhận như một quốc gia hoàn chỉnh.

seoul hinh anh 11 e1630174503164 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Thời kỳ Goryeo đã thổi một luồng sinh khí mới giúp Seoul vươn lên thành một khu định cư đáng chú ý và trung tâm chính trị quan trọng của khu vực. Thành phố đổi tên thành Namgyeong và trở thành “Kinh đô phương Nam” của triều đại sau khi vua Munjong xây dựng cung điện Nam Kinh vào năm 1067.

Trong hai thế kỷ tiếp đó, Namgyeong đã duy trì vị thế thủ đô đến khi vương quốc Goryeo trở thành quốc gia bán tự trị của nhà Nguyên thông qua liên hôn hoàng tộc và quan hệ huyết thống.

Dẫu vậy, vương triều Goryeo vẫn để lại vô số công trình văn hóa nổi bật cho thủ đô Seoul, tiêu biểu như đền Jingwansa, khu đền Jungheungsa, chùa Wonjeungguksa.

Thành tựu rực rỡ của Kinh đô triều đại Joseon

Tình trạng bán tự trị của vương triều Goryeo kéo dài đến giữa thế kỷ mười bốn, trước khi vua Gongmin đẩy lùi quân Nguyên Mông và giành lại các vùng lãnh thổ đã mất vào năm 1356.

Ngay sau đó, hàng loạt cải cách đã được tiến hành nhằm xóa bỏ ảnh hưởng từ nhà Nguyên. Nhờ những nỗ lực của vua Gongmin, tầm quan trọng của khu vực Seoul được tái khẳng định mạnh mẽ dù chưa thể nhận lại vị trí thủ đô.

Tuy nhiên, trong chiến dịch xâm lược Liêu Ninh năm 1388, tướng thống lĩnh Yi Seong-gye đã phản bội và quay trở lại Gaegyeong để khởi xướng một cuộc đảo chính. Sau khi giết ba vị vua cuối cùng của triều đại Goryeo, ông thành lập triều đại Joseon và lên ngôi vua năm 1392, lấy hiệu là Taejo.

Dấu mốc đánh dấu sự hồi sinh của Seoul là năm 1394, khi vua Taejo quyết định đổi tên khu vực thành Hanseong và biến nơi đây trở thành kinh đô triều đại trong suốt hơn năm thế kỷ kế tiếp. Thành phố chính thức bước sang chương mới với nhiều thành tựu rực rỡ, đặc biệt là về kiến trúc.

Theo các nhà nghiên cứu, kinh thành Hanseong chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những nguyên tắc phong thủy. Minh chứng rõ nhất là vị trí các công trình mang tính biểu tượng như pháo đài phòng thủ, cung điện và cổng thành.

seoul hinh anh 24 e1630174692336 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Dựa trên quy tắc tám hướng liên kết với yếu tố địa hình tự nhiên và mạng lưới giao thông, tám cổng được đặt quanh các quận trung tâm Seoul bao gồm Namdaemun, Dongdaemun, Bukdaemun, Changuimun và Hyehwamun để thúc đẩy giao thương với các vùng lân cận.

Về tôn giáo, triều đại Joseon chứng kiến sự lên ngôi của các lý tưởng và học thuyết Nho giáo trong xã hội Hanseong. Dấu ấn Nho giáo tiêu biểu cho thời kỳ này phải kể đến Jongmyo – ngôi đền thờ tổ tiên lâu đời nhất và Jongmyo Jerye – nghi lễ truyền thống hoàng gia.

Đối với lĩnh vực giáo dục, Thành Quân Quán hay nay là đại học Sungkyunkwan được thành lập nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của văn học, văn hóa quốc gia. Theo ghi chép lịch sử, chữ viết Hangul cùng phần lớn giá trị truyền thống đều được hình thành và phát triển nhờ giáo viên, học sinh thuộc học phủ này.

seoul hinh anh 23 e1630174823562 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Mặt khác, do nắm giữ vị trí chiến lược giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Joseon cũng phải đối mặt với nhiều cuộc xâm lược từ nước láng giềng. Đáng chú ý nhất là các chiến dịch của tướng quân Toyotomi Hideyoshi cùng hai lần tấn công của quân đội Mãn Châu.

Sức tàn phá nặng nề từ những lần giao chiến đã tác động mạnh mẽ đến đường lối đối ngoại của vương quốc Joseon. Nhằm hạn chế ảnh hưởng của ngoại bang, triều đại Joseon thực thi chính sách biệt lập và dừng mọi hoạt động giao lưu với thế giới bên ngoài trong hai thế kỷ tiếp đó.

Dẫu vậy, Hanseong vẫn giữ vững vị thế thủ đô và đạt được nhiều tiến bộ ấn tượng về kinh tế – xã hội. Không chỉ khắc phục những tồn tại trong vấn đề thuế quan hay quản lý đất đai, triều đình còn đề ra các chính sách tích cực để khuyến khích sự phát triển của khoa học và kỹ thuật nông nghiệp.

Từ nửa sau thế kỷ mười bảy, hàng loạt cải cách đáng chú ý đã được tiến hành. Tiêu biểu là việc thực thi hai đạo luật Daedong và Gyunyeok giúp Hanseong chuyển mình từ một thủ phủ chính trị quyền lực sang một trung tâm thương mại sầm uất.

Bên cạnh đó, việc buôn bán hàng hóa quanh khu vực trở nên sôi động hơn nhờ ba cuộc triển lãm Bell Tower, Yihyeon và Chilpae. Đồng thời, mầm mống của chủ nghĩa tư bản bắt đầu xuất hiện thông qua hình ảnh nhóm thương nhân Gyeonggang với nhiều hoạt động tích cực trong lĩnh vực thương mại và vận tải.

Chính sách mở cửa của thủ đô Seoul

Tuy nhiên, sự thịnh vượng của Hanseong dần sụp đổ vào thế kỷ mười chín khi Joseon gặp khủng hoảng vì xung đột nội bộ và áp lực quốc tế. Nửa thế kỷ sau đó, thành phố buộc phải gỡ bỏ chính sách biệt lập và tiến hành giao thiệp cùng các quốc gia khác.

Nhật Bản, sau khi vực dậy nhờ tiếp thu công nghệ quân sự phương Tây đã buộc Joseon phải ký Hiệp ước Ganghwa năm 1876. Không chỉ ép mở ba cảng để giao thương, Nhật Bản còn lấy đi một phần lãnh thổ của quốc gia láng giềng.

seoul hinh anh 26 e1630175014341 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Trong hai mươi năm tiếp đó, nhiều phong trào nông dân như cách mạng Donghak và nỗ lực từ phía triều đình đã được tiến hành nhằm chống lại sự bành trướng của Nhật. Dẫu vậy, Joseon vẫn chính thức sụp đổ vào năm 1897 sau khi nhà Thanh thừa nhận thất bại trước quân đội Nhật Bản.

Trước mối đe dọa khủng khiếp từ các thế lực bên ngoài, vị vua cuối cùng của triều đại, hoàng đế Gojong đã thành lập Đế chế Triều Tiên và triển khai một cuộc cải cách toàn diện nhằm tái thiết thành phố.

“Đường phố Seoul được thiết kế rất tráng lệ, rộng rãi, sạch sẽ với hệ thống thoát nước tốt. Những con ngõ hẹp và bẩn đã được mở rộng, những rãnh nước được đậy kín, các con đường cao tốc được xây dựng. Nếu có số liệu thống kê, Seoul có thể trở thành thành phố cao nhất, thú vị nhất và sạch nhất ở phía Đông. ” – Angus Hamilton

Sau cải cách, Hanseong trở thành nơi đầu tiên ở Đông Á sở hữu hệ thống điện, xe đẩy, nước, điện thoại và điện báo. Những bước tiến ấn tượng này chủ yếu bắt nguồn từ hoạt động giao thương với các quốc gia phương Tây như Pháp và Hoa Kỳ.

Minh chứng là sự xuất hiện của nhiều công ty liên doanh Mỹ – Hàn tại thủ đô, tiêu biểu như Công ty Điện lực Seoul, Công ty Xe điện Seoul và Công ty Nước suối ngọt Seoul. Tuy nhiên, thành phố lúc này vẫn chưa chính thức đổi tên thành Seoul.

Dù chỉ tồn tại trong khoảng hơn mười năm, thời kỳ này được coi là khởi đầu cho sự xuất hiện của thủ đô Seoul hiện đại với những bước tiến đáng kể trước khi bị đô hộ bởi Nhật Bản với Hiệp ước Sáp nhập Nhật – Hàn năm 1910.

Ngày tháng chiến tranh còn sót lại

Sau khi ép vua Gojong thoái vị vào năm 1907, Nhật Bản đưa con trai ông lên ngôi và tước bỏ quyền quản lý các vấn đề nội bộ từ đế chế Triều Tiên. Đến tháng Tám năm 1910, Hiệp ước Sáp nhập Nhật – Hàn được ký kết khiến nền độc lập của quốc gia này chính thức chấm dứt.

Trong thời kỳ này, thành phố đổi tên thành Gyeongseong và trở thành một đơn vị hành chính địa phương nằm dưới quyền kiểm soát của Gyeonggido. Đồng thời, việc thi hành chính sách đồng hóa của Nhật Bản khiến nhiều công trình văn hóa quan trọng ở Seoul bị phá dỡ.

seoul hinh anh 27 e1630175156178 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Các công trình mới theo lối kiến trúc hiện đại được xây dựng, tiêu biểu như Tòa thị chính Keijo, Tòa nhà Văn phòng chính phủ, Nhà ga Keijo, Trụ sở Ngân hàng Thương mại. Trái lại, tinh thần hiếu học từ thời Joseon vẫn được duy trì nhờ sự thành lập của Đại học Hoàng gia Gyeongseong và các trường dạy nghề.

Thời kỳ cai trị của Nhật kết thúc vào năm 1945, sau khi Phát xít Nhật thất bại trước quân đội Đồng minh trong Thế chiến thứ hai. Gyeongseong được quân đội Hoa Kỳ giải phóng và chính thức mang tên Seoul kể từ thời điểm này.

Năm 1949, Seoul được chỉ định là “thành phố đặc biệt” mang quyền lực ngang hàng với tỉnh sau khi mở rộng diện tích sang Ui-dong ở phía bắc, Guro-dong và Daerim-dong về phía Nam. Tuy nhiên, chiến tranh Triều Tiên giữa hai miền Nam – Bắc nổ ra vào giữa năm 1950 tiếp tục gây ra nhiều bất ổn chính trị cho thành phố.

seoul hinh anh 30 e1630175304359 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Trong thời gian giao tranh diễn ra, Seoul đã bốn lần đổi chủ qua lại và bị phá hủy phần lớn khiến chính phủ phải tạm thời chuyển trung tâm hành chính về Busan. Đến năm 1953, cuộc chiến mới tạm ngưng nhờ Hiệp định đình chiến Triều Tiên, một Khu phi quân sự được thành lập và ngăn cách biên giới hai miền.

Sau khi lấy lại vị thế thủ đô, chính quyền Seoul bắt đầu tập trung vào công cuộc hiện đại hóa thành phố. Trong hai thập kỷ kế tiếp, kinh tế Seoul ghi nhận mức tăng trưởng đáng kinh ngạc với tác động tích cực từ cách mạng công nghiệp.

Quy mô thành phố được mở rộng đáng kể thông qua việc sáp nhập các thị trấn, làng mạc lân cận như Bucheon, Siheung, Gwangju, Yangju và Gimpo. Ngoài ra, các tòa nhà văn phòng và căn hộ cao tầng nhanh chóng mọc lên khắp thành phố trong những năm 1980.

seoul hinh anh 25 e1630175557170 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Hiện nay, Seoul được biết đến là một trong những trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa quan trọng của đất nước Hàn Quốc nói riêng và quốc tế nói chung. Đây là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty hàng đầu thế giới như Samsung, SK Holdings, Hyundai, POSCO và tập đoàn LG.

Thêm vào đó, thủ đô Hàn Quốc cũng trở thành địa điểm đăng cai các sự kiện toàn cầu, đáng chú ý nhất là Thế vận hội Châu Á năm 1986, Thế vận hội Mùa hè 1988, FIFA World Cup 2002 và Hội nghị thượng đỉnh G20.

seoul hinh anh 29 e1630175734748 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Với hơn hai ngàn năm lịch sử, Seoul không chỉ lưu giữ những giá trị truyền thống của bán đảo Triều Tiên mà còn là biểu tượng văn hóa Hàn Quốc, góp phần quảng bá đất nước thông qua các lễ hội, bảo tàng và di tích lịch sử.

Kiến trúc Seoul quá khứ và hiện tại

Tương tự các đô thị lớn ở châu Âu như Amsterdam, Vienna hay Brussels, kiến trúc Seoul là sự kết hợp hài hòa giữa giá trị truyền thống và xu hướng hiện đại. Những công trình cổ kính song hành cùng các tòa tháp chọc trời là điểm quyến rũ đầy khác biệt của nơi đây.

seoul hinh anh 32 e1630175856755 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Không chỉ sở hữu cấu trúc đương đại ấn tượng như City Hall hay Dongdaemun Design Plaza, thành phố còn bảo tồn và phục hồi nguyên vẹn những công trình tiêu biểu mang dấu ấn lịch sử, nổi bật nhất là cung điện Changdeok, đền Jongmyo, cổng thành Namdaemun và làng Hanok Namsangol.

Cung đình – nơi lưu giữ ký ức kinh đô

Dưới triều đại Joseon, năm cung điện chính đã được xây dựng tại khu vực kinh đô. Đây là khu phức hợp đồ sộ với những bức tường hùng vĩ, là nơi tọa lạc các cơ quan hành chính, khu sinh hoạt dành cho hoàng tộc và vườn thượng uyển.

Kiến trúc cung đình Hàn Quốc đặc trưng bởi cách thiết kế phần mái. Không tuân theo màu sắc rực rỡ của ngói lợp thông thường, các cung điện ở Seoul được phủ một màu đen với điểm nhấn là hình thần thú được khắc chạm nổi nhằm thể hiện những lý tưởng chính trị và quyền lực chốn hoàng cung.

seoul hinh anh 34 e1630175956283 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Bên ngoài cung điện thường được thiết kế theo lối giản lược, không sử dụng màu sắc trang trí hay đường nét chạm khắc công phu trừ phần mái hiên với tông xanh và cam đậm. Nét đặc trưng này có thể thấy rõ qua kiến trúc của Gyeongbokgung, cung điện lớn nhất trong hệ thống ngũ cung của triều đại Joseon.

Được xây dựng lần đầu năm 1395 và phục dựng năm 1995, Gyeongbokgung được cấu thành bởi hơn ba trăm điện lớn, nhỏ với những chức năng khác nhau. Trong số đó, đáng chú ý nhất là Cần Chính Điện, nơi diễn ra hoạt động thiết triều và Khánh Hội Lâu, tòa nhà phục vụ các yến tiệc trong cung.

seoul hinh anh 35 e1630176105788 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Không chỉ được biết đến như công trình tiêu biểu cho lịch sử kiến trúc phương Đông, Gyeongbokgung còn là nét son đáng tự hào của người dân Seoul nói riêng và đất nước Hàn Quốc nói chung khi nhắc đến văn hóa hoàng gia.

Nhằm củng cố những giá trị lịch sử của nơi đây, chính phủ Hàn Quốc đã chọn khu phức hợp Gyeongbokgung là địa điểm đặt Bảo tàng cố cung quốc gia và Bảo tàng dân gian quốc gia Hàn Quốc, hai công trình gắn liền với sứ mệnh lưu giữ và tôn vinh giá trị truyền thống dân tộc.

seoul hinh anh 38 e1630179044310 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Chính vì vậy, Gyeongbokgung dần trở thành một hình ảnh biểu trưng của thủ đô Seoul trong mắt bạn bè quốc tế khi đón hàng ngàn lượt khách tham quan mỗi năm.

Đền Jongmyo  trong văn hóa nho giáo Seoul

Nếu Gyeongbokgung đại diện cho sự uy nghiêm của hoàng tộc thì Jongmyo được biết đến như biểu tượng cho lễ giáo trong thời kỳ Joseon. Đây là đền thờ Nho giáo lâu đời nhất còn được bảo tồn với các nghi lễ truyền thống được duy trì từ thế kỷ mười bốn đến nay.

seoul hinh anh 5 scaled e1630176210143 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Theo nhận định của giới sử gia, Jongmyo đóng vai trò quan trọng trong công cuộc truyền bá tầm quan trọng của chữ “Hiếu”, một trong những đạo lý cơ bản của Nho giáo và nền tảng tư tưởng thống trị của triều đại Joseon.

Kể từ khi được xây dựng vào năm 1394, Jongmyo là nơi lưu giữ bài vị của các bậc đế vương và hoàng hậu thuộc vương triều Joseon trong hơn năm trăm năm lịch sử. Ngôi đền cũng là địa điểm diễn ra các nghi thức thờ cúng tổ tiên quan trọng, gọi chung là Jongmyo Jerye.

seoul hinh anh 21 e1630176325768 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Việc cử hành nghi lễ bắt nguồn từ thời vua Taejo và tồn tại xuyên suốt thời kỳ Joseon, Jongmyo Jerye được tiến hành mỗi năm một lần dưới sự chủ trì của chính các vị vua nhằm biểu hiện lòng tôn kính đến tổ tiên và cầu phúc cho nhân dân.

Năm 2001, Jongmyo Jerye được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Ngày nay, nghi lễ vẫn được tổ chức hàng năm tại Jongmyo với sự kết hợp hài hòa của âm nhạc và vũ điệu truyền thống, dựa trên các quy tắc chuẩn mực từ năm 1462.

Quảng trường Seoul – Quảng trường ghi dấu lịch sử

Bên cạnh các công trình mang nhiều giá trị lịch sử, thủ đô Hàn Quốc còn nổi tiếng nhờ những kiến trúc hiện đại và độc đáo. Xuất phát từ nhu cầu tái thiết sau Chiến tranh Triều Tiên, Seoul đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào hiện đại hóa và thuộc danh sách Thủ đô Thiết kế thế giới từ năm 2010.

Điểm nhấn của lối kiến trúc này nằm ở cách diễn giải các giá trị truyền thống bằng nguyên liệu và thiết kế hiện đại, tiêu biểu như Tòa thị chính Seoul, trung tâm thương mại Dongdaemun Design Plaza.

seoul hinh anh 41 e1630176553854 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Khác với phương Tây, người Hàn Quốc cho rằng trải nghiệm không gian quan trọng hơn yếu tố quang học. Vì vậy, Tòa thị chính Seoul hay Dongdaemun Design Plaza đều sở hữu cấu trúc rất đa dạng, không đơn thuần là những đường thẳng.

Trong khi tòa thị chính Seoul được tạo hình như một ngọn “sóng” ghép từ nhiều tấm kính nhỏ thì Dongdaemun Design Plaza tựa chiếc UFO khổng lồ. Dẫu vậy, cả hai đều là những công trình nổi bật của Seoul với vẻ đẹp hiện đại, độc đáo.

seoul hinh anh 40 e1630176647666 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Ngoài ra, không gian tòa thị chính mới có nhiều điểm liên kết đến Tòa thị chính cũ và hai cung điện hoàng gia Gyeonbokgung, Changdeokgung. Thông qua đó, mối tương quan giữa quá khứ – hiện tại càng trở nên bền chặt, góp phần củng cố vai trò của lịch sử, văn hóa đối với hành trình phát triển của Seoul.

Seoul – nét đẹp văn hóa của Hàn Quốc

Với những nét đẹp mang đậm hơi thở văn hóa phương Đông kết hợp cùng sự hiện đại được thừa hưởng từ một trong những đất nước phát triển bậc nhất châu Á, Seoul xứng đáng được coi là báu vật của văn hóa xứ sở Kim Chi.

seoul hinh anh 46 e1630177212660 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Nơi đây không chỉ bảo tồn những giá trị lâu đời của dân tộc trong đời sống hàng ngày mà còn tích cực quảng bá vẻ đẹp đó thông qua các lễ hội, tiêu biểu như lễ hội Kim chi, lễ hội văn hóa Go, lễ hội nghệ thuật đường phố Seoul.

Thành phố còn sở hữu nền ẩm thực hấp dẫn với thực đơn đa dạng từ những món ăn truyền thống đến các đồ ăn đường phố độc đáo. Dù là canh xương bò (seolleongtang), bánh rán (hotteok), bánh gạo cay (tteokbokki) hay hải sản nướng, tất cả đều có thể được thưởng thức tại Seoul.

Bên cạnh các nét đẹp truyền thống, thành phố cũng được biết đến như trung tâm của làn sóng Hallyu khi là nơi đặt trụ sở những tập đoàn giải trí hàng đầu SM Entertainment hay trở thành bối cảnh cho các bộ phim nổi tiếng như Reply 1988, Tầng lớp Itaewon hay Goblin.

seoul hinh anh 45 e1630177336996 - Seoul: Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại

Hơn hai nghìn năm lịch sử, Seoul đã liên tục đối mặt với thách thức, từ nội chiến đến sự xâm lược của láng giềng. Dẫu vậy, thành phố vẫn vươn lên mạnh mẽ và trở thành siêu đô thị hàng đầu thế giới vào thế kỷ 21.

Đến  Seoul để ngắm nhìn một Seoul giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, để tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Hàn Quốc. Đến  Seoul chắc chắn sẽ khiến du khách hài lòng cho hành trình khám phá xứ sở kim chi này.

You may also like